Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

[Cuộc thi khởi nghiệp]: Chia sẻ về R&D một sản phẩm startup

Sản phẩm demo là bước đầu cho một minh chứng

Tiếp nối bài chia sẻ về [cuộc thi khởi nghiệp], mình xin phép gửi thêm một chia sẻ về quá trình một sản phẩm được tạo ra. Hi vọng có ích cho bạn.

Mình rất ủng hộ cuộc thi Iotstartup 2017 về sự tập trung vào sản phẩm trong cuộc thi. Một trong những yêu cầu quan trọng của thi là phải có sản phẩm demo. Một bước quan trọng trong hiện thực hóa ý tưởng. Đây là một điều đối với mình nghĩ là khá quan trọng. Chúng ta quá tập trung vào cái "overview", tập trung và "giải pháp" to lớn và vĩ đại từ những ý tưởng rất táo bạo. Tuy nhiên, khi thực thi một phần nhỏ thì không biết phải làm sao. Trên quan điểm cá nhân mình, nghĩ lớn nhưng hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ và làm cho ra cái đó vì những lý do quan trọng sau:

Một dây chuyền lớn, luôn có những đơn vị mắc xích bé nhỏ!
Bước kiểm thử bao giờ cũng quan trọng, và tiết kiệm chi phí rất lớn!
Nguồn lực startup thường có hạn, một cuộc chiến quá lớn sẽ khó lòng đủ sức !
Muốn đánh lớn trước hết phải thắng trận nhỏ. Muốn làm ra một hệ thống lớn, hãy bắt đầu một nền tảng vững chắc những cái đơn giản nhất!
Tập trung từng mảng nhỏ, chia để đánh sẽ dễ hơn rất nhiều. 
Muốn người khác quan tâm, trước hết hãy chứng minh mình có thể sống được.
Mỗi một bước đi nhỏ thành công, một sự trưởng thành cả trong suy nghĩ và kỹ thuật.
Nói thì dễ hơn làm rất nhiều

Trên quan điểm đó, nói gần hơn về mặt kỹ thuật, mình chia quá trình phát triển sản phẩm ra làm 3 giai đoạn quan trọng. Mình không tập trung vào ý tưởng và thời gian nghiên cứu trước nhé! Cái đó thì chắc chắn phải làm. Mình cũng không tập trung vào phương thức nào startup ( nghĩ ý tưởng mới lạ, hay mang mô hình,...) Mình đơn thuần trao đổi về mặt kỹ thuật quá trình hình thành một sản phẩm từ quá trình bắt tay vào làm đến bước có sản phẩm thương mại. Rất mong có thể hữu ích cho bạn.
Bước thử nghiệm không thể thiếu

Demo: một bước thử quan trọng
       Mình nhìn bước này tựa như làm cái luận văn vậy! Chỉ là kiểm thử ý tưởng của mình có thực tế tốt không, có quá trình nghiên cứu trước, moi móc một số sản phẩm liên quan, chứng minh mình sẽ làm cái này tốt hơn. tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng, chính làm làm luận văn thường làm hết ý tưởng, tổng quát như yêu cầu luận văn đặt ra từ đầu ( mình không nói phần mở rộng). Tuy nhiên, ở bước demo này, theo mình hãy chỉ làm một phần nhỏ. 
Thế nào là phần nhỏ? 
Phần nhỏ có thể là yếu tố quyết định mà bạn nghĩ sản phẩm mình tốt hơn, ưu việt hơn ( Tất cả các phần còn lại có thể mua, tận dụng nguồn lực, nền tảng sẵn có).
Phần nhỏ này có thể là khởi đầu của sản phẩm bạn. Khởi đầu làm được, dễ chứng minh nhất, và dễ nói mở rộng. 
Phần nhỏ này tương lai nên có thể tự sống trước khi các phần kia hình thành.
Vai trò của phần nhỏ này?
Trên suy nghĩ của mình, dù là bạn xác định phần nhỏ này bằng cách này, thì nó phải chứng minh được cái "lõi" mà bạn nhắm tới là đúng với suy nghĩ, ý tưởng của bạn. Mình ví dụ, bạn dựa trên một nền tảng công nghệ mới, bạn muốn tạo ra một sản phẩm truyền thống nhưng trên nền tảng công nghệ này sẽ tốt hơn. Thì bước đầu tiên, bạn phải chứng minh được bạn làm chỉ được nền tảng bạn muốn, và một vài ưu điểm quan trọng nhất giúp bạn đánh tốt sản phẩm cũ. Dù gì thì nó vẫn phải làm được việc là tạo ra một giá trị tốt hơn sản phẩm cũ nếu áp dụng nền tảng đó. Đó có thể là tiết kiệm tiền, giá trị sống người mua tốt hơn hay tương lai có nhiều giá trị hơn. 
R&D sản phẩm mẫu giúp bạn thay đổi nhiều

Sản phẩm mẫu: Quá trình có tính quyết định! quá trình đốt thời gian và chi phí.
        Nhìn lại thời đại học giờ mới hiểu tại sao hồi đó luận văn mình bự thế mà không làm được gì. Vì sao ư? Cố gắng lên demo tí cho thầy xem rồi tắt ngay, sợ chạy lâu lâu là không ổn! :) 
        Theo mình, sự khác biệt chính là ở đây, ở sản phẩm mẫu bạn sẽ xây dựng một sản phẩm thực thụ và ổn định là yếu tố tiên quyết. Có thể sản phẩm này là một phần ý tưởng của bạn thôi nhưng yêu cầu đầu tiên là phải thật sự ổn định khi định hình ra sản phẩm. Tất cả các bước kiểm thử, hàng mẫu nên thực hiện ở đây.
         Mình đang nói về vấn đề chính, tất nhiên, trong giai đoạn này yếu tố về thị trường, ngách bạn chọn cũng sẽ dần hiện ra,... Tuy nhiên, mình chú trọng đến mức độ hoàn thiện sản phẩm.
          Nếu thật sự bạn đã vào bước này, trong lộ trình của nó, bạn thật sự có rất nhiều cái "à", mỗi cái "à" là một bước trưởng thành của bạn, mỗi cái "à" là một bước bạn nhìn thấy rõ sức mạnh của sản phẩm mình. 
            Đối với mình, bước này chúng ta sẽ thu lượm cho mình rất nhiều kiến thức, và bạn hoàn toàn có dừng lại ở sản phẩm này cũng có giá trị cho bạn. Còn một cảm giác thú vị nữa là sau bước này, mình cố gắng dùng ít crack lại càng tốt. Biết trân trọng hơn giá trị trí tuệ
           Sau bước này, một người nhìn vào sản phẩm của bạn sẽ có lẽ bảo là thương mại được ngay. Thế cũng đúng, nhưng theo mình thì còn nên chú ý một bước nữa.

Sản phẩm thương mại: Bạn bắt đầu kiểm chứng tất cả những suy nghĩ và ý tưởng để chuẩn bị những trận đánh lớn. 
Có rất nhiều startup không đi qua giai đoạn này, không tự làm mà có hỗ trợ rất lớn. Tuy nhiên, tất cả đều phải làm những việc như thế này nếu muốn sản phẩm mình đi đến thị trường.
Tính toán lại giá thành và giá bán với ngách mà mình muốn tung ra. 
Tất cả những nhà cung cấp của bạn, chốt một lần dự đoán sản lượng để có phương án phù hợp. ví dụ, sản phẩm bạn phần cứng, cơ khí. Bạn sẽ quyết định là phần đó có đủ sản lượng để bạn đặt khuôn hay tự gia công,....
Đưa ra những cái cần và không cần trong sản phẩm mình
Sau một bước hả hê, sung sướng vì bạn trải qua những cung bậc tuyệt vời của đam mê, cảm xúc dâng trào từ sản phẩm kỹ thuật của bạn. Đây là lúc bạn sẽ bắt đầu cắt đầu, cắt đuôi theo khảo sát đã có từ số lượng nhỏ. Bản chất ghép nối giá trị là ở đây. 
Cái cốt cuối cùng là phải để sản phẩm của mình vào một chuỗi giá trị phù hợp. Thực sự, đây luôn là một bài toán khó, mà các sản phẩm thường có thể chết bất cứ lúc nào.
Thực hiện quy mô nhỏ những nhóm đối tượng mà mình kiểm soát được
Một quy mô kiểm soát, là điều kiện để tối ưu, một quy mô hợp lý là một điều kiện để có cơ hội sửa sai. Vì hầu hết, một điểm yếu chết người của startup vẫn là tính ổn định của sản phẩm. Công đoạn QA, QC gần như không đảm bảo. Lean startup là một mô hình thường được áp dụng để tiết kiệm thời gian vào chi phí.
Cuộc đua không chỉ có mình mình
Một điều đáng lưu ý nữa là startup đang nở rộ, cuộc đua thường không chỉ một mình mình. Những công cụ bảo hộ, những tư vấn hợp lý là rất quan trọng. Đó là một đặc điểm quan trọng mà startup nên có vườn ươm hỗ trợ. Đôi khi bạn sẽ phải thay đổi cả phương án khi tới bước này hay vứt bỏ để bảo tồn cuộc chơi khác. Không nhất định cứ phải đánh là chết mới thôi. Nghĩ lại bước trước, rõ ràng mình đã có rất nhiều.

Lời kết
Dân kỹ thuật rất thích làm hơn nói, viết. Mình không dám qua mặt các đàn anh, chỉ mong gửi chút suy nghĩ, mong có  thể có ích với bạn đọc qua, tiết kiệm thêm được một chút thời gian cũng quan trọng. Vì không có nhiều kinh nghiệm, chỉ là mang tính cá nhân, rất mong được sự chỉ giáo thêm các bậc đàn anh.
Gửi bạn một số điều tâm đắc nhất của mình trong thời gian vừa qua:
Nên nghĩ lớn và bắt đầu nhỏ là điều mình tâm đắc, hi vọng sẽ có ích cho bạn.
Thế giới này còn rất nhiều người có tâm, mở rộng tấm lòng đôi lúc gợi mở cơ hội cho bạn.
Là một người khai phá, hãy hưởng niềm vui trong quá trình, đừng đợi đến cái kết, cái kết thật không thú vị bằng mà còn có thể hại bạn.
  
Trong loạt bài tiếp theo, mình sẽ chia sẻ một số vấn đề liên quan để TEAM: vận hành, quy tắc, công cụ,... Chỉ là vài góp nhặt nho nhỏ, mong sẽ có ích cho bạn.
                            Ngô Cự Mạnh - 08/04/2017

Related Post

[Cuộc thi khởi nghiệp]: Chia sẻ về R&D một sản phẩm startup
4/ 5
Oleh